CẬP NHẬT PCV3 VÀ TÁC ĐỘNG LÊN HIỆU QUẢ TIÊM PHÒNG PCV2
TẠI SAO LẠI QUAN TÂM ĐẾN VẤN ĐỀ PCV3?
Báo cáo về trường hợp lâm sàng tại Mỹ (Palinski, 2016) đã đưa ra cảnh báo về dòng virus mới: PCV3. Theo đó, ca bệnh lâm sàng này gây ra vấn đề sẩy thai trên nái có dấu hiện lâm sàng giống với PDNS (viêm da, viêm thận), chẩn đoán bằng phương pháp PCR cho thấy hàm lượng PCV3 rất cao (7.57 x 107 genome copies/ml) trên thai sẩy mà không phát hiện bất cứ virus nào khác. Điều này đặt ra câu hỏi cho các nhà nghiên cứu lâm sàng: PCV3 có phải nguyên nhân gây nên các vấn đề lâm sàng này?
Rất nhiều nghiên cứu tiếp theo đã tập trung làm sáng tỏ các khía cạnh: tính lưu hành, khả năng hiện diện hay đồng nhiễm với các mầm bệnh khác. Vấn đề quan trọng nhất là: phân lập được virus PCV3 và tiến hành công cường độc trên heo để đánh giá biểu hiện lâm sàng, sự nhân lên và tác động tổn thương mô cơ quan như thế nào?
PCV3: TÍNH LƯU HÀNH VÀ ĐỒNG NHIỄM CAO
Các nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ lưu hành rộng khắp toàn cầu của PCV3, có mặt ở tất cả các cơ quan và trên mọi nhóm tuổi heo. Theo Klaumann tổng hợp (2018), PCV3 được tìm thấy trong các loại mẫu kiểm tra như máu, mô, phân, dịch xoang miệng, thai khô/chết lưu, tinh dịch và sữa đầu. Đồng thời, PCV3 lưu hành ở heo khỏe (29.8%) cao hơn trên heo bệnh (17.9%) (Saraiva, 2019); trên nái khỏe mạnh (21.9%) và heo thịt tại lò mổ (19.14%) (Wen, 2018; Zou, 2018); trên heo con từ 1 tuần tuổi đến heo thịt 24 tuần tuổi, trên heo hậu bị và nái rạ (Sukmak, 2019).
Khả năng đồng nhiễm của PCV3 với các mầm bệnh khác có kết quả từ thấp đến rất cao, trên cả heo khỏe và heo bệnh. Cũng theo báo cáo tổng hợp của Klaumann, PCV3 đồng nhiễm cao nhất với PCV2 (từ 15-70%), với PRRSV (12.5% - 43.9%), CSFV (54%); với cả PRRSV và PCV2 là 0.7% - 30.8% (Ouyang, 2019).
Nghiên cứu hồi cứu (retrospective studies) (Ha, 2020) từ năm 2016 đến 2019 bằng PCR, trên 4094 mẫu từ 271 trại heo của 10 tỉnh thành tại Trung Quốc cho thấy: Tỉ lệ nhiễm PCV3 là 29.3% (1200/4094 mẫu), trên 74.2% số trại (201/271 trại), tỉ lệ lưu hành và hàm lượng virus PCV3 cao hơn trên heo có biểu hiện hô hấp so với heo khỏe mạnh.
PCV3 CÓ PHẢI VIRUS MỚI?
Các nghiên cứu hồi cứu cho thấy PCV3 không phải virus mới. Bằng chứng PCV3 được chứng minh có mặt rất sớm so với năm phát hiện 2016, như năm 1997 tại Thụy Điển và năm 1996 ở Tây Ban Nha, Trung Quốc (Klaumann, 2018).
Theo nghiên cứu tổng hợp của Opriessnig (2020): PCV3 cũng được tìm thấy trên các loài khác: thú nhai lại (34.7%), chó (9.1%), thú hoang (heo rừng, dê núi), hoặc trên chuột, ve; lưu hành khá lâu trên heo rừng và heo nuôi mà không được phát hiện. Qua đó cho thấy, PCV3 lưu hành chéo giữa các loài trong tự nhiên.
Tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy, sự hiện diện của PCV3 trên thực địa khá phổ biến, vấn đề đồng nhiễm được ghi nhận trên hầu hết các mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu dựa trên phương pháp PCR mà chưa phải là phương pháp chẩn đoán hoàn chỉnh. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định vai trò của PCV3 trong các ca bệnh lâm sàng, vì bản thân PCV3 cũng là một loại virus phổ biến ở heo khỏe mạnh. Do đó, khả năng mắc bệnh có thể không chỉ phụ thuộc vào sự hiện diện của nó, các yếu tố khác có thể đóng vai trò là các yếu tố gây bệnh hoặc tác động đến sự nhân lên của virus PCV3?
SỰ GIỐNG VÀ KHÁC GIỮA PCV2 VÀ PCV3
PCV2 và PCV3 đều phân bố rộng khắp, có thể truyền dọc hoặc truyền ngang, đa dạng đường truyền lây và cách bài thải virus, ngoài ra cả hai có thể phát hiện trên các loài khác không chỉ trên heo. Tuy nhiên, sự giống nhau ở cấp độ axit amin của khung đọc mở ORF2 giữa PCV2 với PCV3 chỉ có 31% (với PCV4 là 45% và PCV1 là 70%). Vì vậy, không nên kỳ vọng vào bảo hộ chéo chống các dòng PCV.
Cơ chế gây bệnh của PCV2 đã được chứng minh với ba đặc điểm quan trọng: yếu tố đồng nhiễm, phụ thuộc vào hàm lượng virus huyết và suy kiệt lympho dẫn đến ức chế miễn dịch. Trong khi PCV3 có phải nguyên nhân gây bệnh không vẫn là câu hỏi lớn cần giải đáp trong tương lai?
Để chứng minh tính gây bệnh cần thực hiện hai đánh giá: Kỹ thuật xét nghiệm như phân lập virus, huyết thanh học, phát hiện mầm bệnh trong mô; Dấu hiệu lâm sàng nhận thấy được với bất cứ biểu hiện bất thường nào.
PCV3 CÓ PHẢI NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH?
Vài kỹ thuật phòng lab liên quan đến nuôi cấy và phát hiện virus trong mô: qPCR (định lượng virus), IHC (nhuộm hóa mô miễn dịch), ISH (lai tại chỗ), IFA (miễn dịch huỳnh quang);
phát hiện kháng thể bằng ELISA. Nuôi cấy phân lập PCV3 được tiến hành trên môi trường tế bào thận heo (PK-15).
Việc chuẩn bị chất cấy virus và heo thực nghiệm công độc rất quan trọng. Cả hai nghiên cứu của Mora-Diáz (2020, Study A) và Temeeyasen (2020, Study B) đều được tiến hành công độc trên heo CD/CD (heo sinh mổ, không bú sữa đầu) vào lúc 5-6 tuần tuổi, chất cấy là dòng virus phân lập (ISU27734, từ Mỹ, năm 2018 ở Study A) hoặc mô đồng nhất (ở Study B, không rõ nguồn gốc PCV3).
Cả hai nghiên cứu đều cho thấy khả năng gây virus huyết (nhưng ở mức thấp) và sự hiện diện của PCV3 trong mô (đặc biệt ở tim và thận). Đáp ứng kháng thể với IgM (cả Study A và B) và IgG (chỉ ở Study B), nhưng không ghi nhận đáp ứng với lympho T. Có thấy bài thải virus qua đường mũi trong suốt 28 ngày nghiên cứu, nhưng bài thải PCV3 qua đường phân chỉ thoáng qua (Study B). Đặc biệt cả hai nghiên cứu đều không ghi nhận bất cứ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào trên heo CD/CD được công độc.
Nghiên cứu của Jiang (2019) sử dụng dòng virus PCV3 là MF318451 (nguồn gốc từ Trung Quốc, 2015), được tiến hành công độc qua đường mũi trên heo sinh thường (heo sinh thường, được bú sữa đầu) lúc 4 và 8 tuần tuổi. Kết quả sau công độc với virus huyết đạt mức cao, có đáp ứng kháng thể chống PCV3, xuất hiện triệu chứng lâm sàng 8 ngày sau công độc. Các triệu chứng bao gồm: sốt, nốt đỏ ở da và tai, nổi mẫn, ho chảy mũi, tiêu chảy và run, có dấu hiệu hô hấp. Bệnh tích giống PDNS và tìm thấy PCV3 trên nhiều cơ quan khác nhau như: tim, thận, ruột, lách, gan, phổi, hạch lympho, não; các biến đổi mô học gồm: viêm, sưng, xuất huyết tại các mô.
Yếu tố gì ảnh hưởng đến biểu hiện lâm sàng của PCV3?
Sự khác biệt giữa heo CD/CD và heo sinh thường là ở hệ vi sinh vật và miễn dịch mẹ truyền, có thể ảnh hưởng đến lâm sàng khi công độc. Hệ vi sinh vật có thể có đồng thời hai vai trò là ức chế hoặc kích thích trong gây nhiễm virus.
Việc chứng minh tính gây bệnh của PCV3 cần làm rõ ảnh hưởng của đặc điểm di truyền và liều gây nhiễm của PCV3, kể cả ảnh hưởng của giống heo cũng cần được làm rõ.
Tóm lại, từ việc phát hiện ca bệnh liên quan PDNS và gây bệnh thực nghiệm cũng gợi ra cơ chế gây bệnh tiềm tàng của PCV3. Tuy nhiên, các vấn đề lâm sàng và các nghiên cứu thực nghiệm hiện nay cho thấy, cần phải tiếp tục làm sáng tỏ vai trò gây bệnh, tính cấp thiết cần phải phân lập virus PCV3 và xác định rõ các yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến biểu hiện lâm sàng của PCV3.
Tính lưu hành rộng rãi và đồng nhiễm của PCV3 cũng đặt ra các vấn đề về tầm ảnh hưởng của nó với việc tiêm phòng các bệnh khác, đặc biệt là PCV2.
PCV3 CẢN TRỞ HIỆU QUẢ TIÊM PHÒNG PCV2?
Nghiên cứu gần đây tại Ba Lan (Woźniak, 2020) được tiến hành trên 11 trại heo, 7 trại tiêm phòng PCV2 và 4 trại không tiêm phòng. Sử dụng phương pháp qPCR để phát hiện và định lượng virus PCV2 và PCV3. Kết quả cho thấy:
Trại tiêm phòng PCV2 giúp giảm tỉ lệ lưu hành (2.8%) và giảm hàm lượng virus huyết PCV2; nhưng không ngăn ngừa nhiễm PCV3 (29.2%). Trại không tiêm vaccine tuy không thấy tăng nguy cơ nhiễm PCV3 (chỉ có 20%) nhưng lại có tỉ lệ đồng nhiễm PCV2 với PCV3 cao hơn. Điều này đồng nghĩa tiêm phòng PCV2 vẫn đảm bảo hiệu quả tốt trong điều kiện lưu hành virus PCV3. Nói cách khác, PCV3 không cản trở đáp ứng miễn dịch khi tiêm phòng PCV2.
KẾT LUẬN
Việc lưu hành phổ biến của PCV2 và PCV3 trong chăn nuôi heo là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Trong khi chưa làm rõ được vai rò gây bệnh của PCV3, chúng ta cần tập trung vào việc kiểm soát PCV2 và các bệnh quan trọng khác, nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe và hệ miễn dịch, ngăn ngừa và hạn chế tối đa khả năng đồng nhiễm của PCV2 bằng hiệu quả tiêm phòng. Vậy tại sao phải lo lắng vấn đề còn chưa được làm sáng tỏ? Khi nào PCV3 được chứng minh gây thiệt hại lâm sàng thì chắc chắn chúng ta sẽ có biện pháp kiểm soát hiệu quả, như tiêm phòng chẳng hạn.
Chào mừng tới 333
Kết nối, chia sẻ và tương tác với cộng đồng chuyên gia lớn nhất trong ngành chăn nuôi heo.
Chúc mừng 155819 Người dùng trên 333
Đăng kýĐã là thành viên?